Sốc: Khó kiểm soát việc bán thuốc không theo đơn của bác sĩ điều trị

Quy định về tiêu chuẩn GPP (thực hành tốt nhà thuốc) cho các nhà thuốc đã có từ lâu, song hoạt động của một số nhà thuốc rõ ràng vẫn chưa đi vào khuôn phép.

2714__nh

Khu vực quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội có lẽ là một trong những địa bàn có nhiều nhà thuốc, quầy thuốc nhất, được thành lập “ăn theo” các BV lớn.

Tại một số nhà thuốc, quầy thuốc, có những người đứng quầy có vẻ chuyên nghiệp khi khoác lên mình chiếc áo blouse trắng để tạo sự tin tưởng cho khách. Nhưng cũng có không ít quầy, chúng tôi lại bắt gặp hình ảnh những người trực quầy lại mặc những bộ thường phục vẫn nhiệt tình tư vấn cho khách.

Ghé qua một nhà thuốc tại đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng với lý do khảo sát các nhà thuốc trên địa bàn TP, chúng tôi đã gặp gỡ một nhân viên nữ đang trực quầy không mặc áo blouse. Cô gái trẻ chỉ nhận mình là người đứng trông quầy hộ, không phải dược sĩ hay người sở hữu nhà thuốc nên không thể tham gia khảo sát được. Tuy nhiên, khi chúng tôi rời đi, cô lại thản nhiên bán thuốc kháng sinh cho người khác như không có chuyện gì.

Một nhà thuốc khá lớn (nhà thuốc H.M) tại phố Vũ Hữu, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, treo biển “đạt GPP”. Gian hàng bày kín các loại thuốc. Nhân viên bán hàng cũng không mặc áo blouse trắng như qui định. Vài khách vào mua, người bán hàng lần lượt lấy thuốc ra, không hề hỏi có chỉ định của bác sĩ hay không.

Một nhà thuốc khác (nhà thuốc số 06) tại đường Quang Trung, phường Phú La, quận Hà Đông, cũng trưng biển “Nhà thuốc đạt GPP” nhưng cách bán thuốc cũng vẫn là ai mua là bán, không hỏi đến chỉ định của bác sĩ. Gian hàng khá chật hẹp (khoảng 18m2), bao gồm cả quán trà đá, với diện tích bày biện các tủ thuốc chưa đến 10m2, diện tích còn lại dành cho các loại dụng cụ phục vụ công việc bán trà đá và lối đi vào nhà trong (quán trà đá được đặt ngay lối đi vào nhà thuốc). Nhân viên bán thuốc không mặc áo blouse trắng và chị này bán thuốc kiêm luôn bán trà đá.

Kháng sinh dùng không đúng cách, sẽ gây nhờn thuốc là cảnh báo của các bác sĩ. Nhưng thực tế cho thấy, muốn mua các loại kháng sinh chữa viêm họng, viêm xoang, viêm tai, viêm xương khớp, đại tràng, viêm gan B, đau mắt… đều được các nhà thuốc bán “theo nhu cầu” của người bệnh, chứ không cần ý kiến của bác sĩ. Một chuyên viên của Bộ Ngoại giao, thường xuyên công tác tại nước ngoài cho hay, có lẽ chỉ ở Việt Nam, việc mua bán thuốc tây mới dễ như mua rau thế này, còn ở các nước, muốn mua thuốc, nhất là các loại kháng sinh, bắt buộc phải kèm đơn của bác sĩ.

Hiện nay, giá thuốc cũng rất khác nhau, dù cùng hãng sản xuất. Cùng là thuốc Xaltral XL 10mg chữa bệnh tiền liệt tuyến, được sản xuất tại Pháp, một nhà thuốc trong ngõ 200 Âu Cơ bán 470.000 đồng, còn nhà thuốc khác trên đường Xuân Diệu giá mềm hơn, 456.000 đồng. Rẻ như lọ thuốc ho Ma hạnh, với cùng hãng sản xuất, với 5 nhà thuốc trong con ngõ đường 200 Âu Cơ, cũng có 3 mức giá khác nhau. Khó tìm giá chuẩn hơn là các thuốc về bệnh xương khớp, cùng loại, cùng hãng sản xuất, nhưng với giá vài trăm ngàn, các nhà thuốc bán chênh nhau vài chục nghìn là chuyện bình thường…

Theo quy định, nhà thuốc GPP (Good Pharmacy Practices) đủ tiêu chuẩn là chủ nhà thuốc phải có chứng chỉ hành nghề dược và phải có mặt tại cửa hàng trong thời gian hoạt động. Một số loại thuốc theo quy định phải bán theo toa của bác sĩ. Nhân viên trực tiếp bán thuốc phải có bằng chuyên môn dược.

Khu vực bán thuốc có diện tích tối thiểu là 10m2, có chỗ rửa tay cho người bán và người mua, có đủ thiết bị để bảo quản thuốc tránh được các ảnh hưởng bất lợi của ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, sự ô nhiễm, sự xâm nhập của côn trùng. Đối với trường hợp thuốc bán lẻ không đựng trong bao bì ngoài của thuốc thì phải ghi rõ: tên thuốc; dạng bào chế; nồng độ, hàm lượng thuốc; trường hợp không có đơn thuốc đi kèm phải ghi thêm liều dùng, số lần dùng và cách dùng…

Như vậy, nếu khâu cấp phép GPP không thẩm định chặt chẽ, khâu kiểm tra “sau GPP” vẫn không thường xuyên và nếu vẫn chưa thể xử lý nghiêm các vi phạm thì việc áp chuẩn GPP cho các nhà thuốc, rốt cuộc, vẫn chỉ là chuyện làm cho có…

Nhằm giảm thiểu tình trạng các nhà thuốc bán không theo đơn, TP Hà Nội đã yêu cầu tổ chức kết nối mạng các cơ sở bán buôn, các nhà thuốc/quầy thuốc/ tủ thuốc trong BV, trung tâm y tế, trạm y tế… trên địa bàn TP. Phần mềm này sẽ giúp quản lý hoạt động kinh doanh của các cơ sở cung ứng thuốc.

Tính đến cuối tháng 6 – 2019, tổng số cơ sở cung ứng thuốc thực hiện kết nối liên thông trên địa bàn TP là 5.948/6.911 cơ sở (đạt 86,1%). Trong đó, lượng cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện kết nối là 5.613/5.782 (đạt 97,1%). Theo đó, các cơ sở nào không kết nối được coi như chưa cấp phép, buộc phải đóng cửa. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tỷ lệ triển khai dựa trên trên giấy tờ, hợp đồng giữa nhà thuốc với các Cty cung cấp khá cao, song, nhiều nhà thuốc chỉ làm mang tính đối phó.

Nguồn https://phapluatxahoi.vn/thuc-trang-nha-thuoc-quay-thuoc-hien-nay-ky-2-kho-kiem-soat-viec-ban-thuoc-khong-theo-don-cua-bac-si-160552.html

Categories: Tin tức Y Dược