46 ca tử vong do bệnh dại trong 6 tháng: 100% chết vì chủ quan, không tiêm phòng
Đây là thông tin được ông Đặng Quang Tấn, Cục Phó Cục YTDP (Bộ Y tế) thông tin tại Hội nghị tăng cường các biện pháp liên ngành phòng chống bệnh dại các tỉnh trọng điểm miền Bắc Việt Nam do Bộ Y tế phối hợp với Bộ NN & PTNN, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức vào sáng nay 6/8.
- Bác sĩ cũng sốc: Lấy ra 526 chiếc răng từ miệng cậu bé Ấn Độ
- Bộ Y tế khẳng định chứng cứ mới làm sáng tỏ cái chết của 8 nạn nhân vụ chạy thận
- Thai phụ 27 tuổi vỡ tử cung, song thai bị đẩy ra ngoài
Ông Đặng Quang Tấn
Theo ông Tấn, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và khi đã mắc bệnh thì tỷ lệ tử vong gần như 100%. Các trường hợp tử vong do dại thường do thiếu hiểu biết về phòng chống bệnh dại, không đi tiêm phòng vắc xin và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắc xin cho đàn chó.
Thời gian qua, công tác phòng chống bệnh dại tại Việt Nam đã được quan tâm đẩy mạnh và đạt một số kết quả nhất định trong những năm gần đây, số ca tử vong do dại đã giảm liên tiếp trong các năm 2015, 2016, 2017.
Tuy nhiên theo Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, đến năm 2018, tình hình bệnh dại có diễn biến phức tạp với số người tử vong do dại tăng hơn 29 trường hợp so với năm 2017 (103 ca)
Khi mắc bệnh dại thì tỷ lệ tử vong gần như 100%
Ông Tấn cũng thông tin thêm, tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 46 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 24 tỉnh. Trong đó cao nhất là tỉnh Sơn La với 6 ca tử vong. Khu vực miền núi phía Bắc vẫn ghi nhận số ca tử vong do dại cao nhất cả nước chiếm hơn 80%.
Hiện, bệnh dại đã ghi nhận ở hơn 150 quốc gia, lãnh thổ và khu vực. Bệnh gây tử vong khi các triệu chứng biểu hiện trên cả người và động vật. Bệnh dại ở người chỉ có thể được ngăn chặn thông qua các biện pháp như tiêm vắc xin dại cho người ngay sau khi bị chó nghi dại cắn, bên cạnh đó cần quản lý tốt đàn chó, và tiêm vắc xin cho chó.
Đại diện Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng nhấn mạnh, số ca tử vong do bệnh dại chiếm phần lớn tổng số ca tử vong của tất cả các bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam. Trong đó năm 2018 có số ca chết cao nhất.
Trung bình mỗi năm có khoảng 500.000 người/năm chủ động đi tiêm phòng vắc xin dại. Tuy nhiên, vị đại diện này cũng cảnh báo “số bị người bị động vật cắn lớn hơn con số này rất nhiều”.
Các chuyên gia cũng lưu ý, phòng bệnh bằng vắc xin dại cho người và động vật là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa tử vong do bệnh dại ở người.
Nguồn https://infonet.vn/ky-luc-moi-trong-lich-su-y-van-viet-thay-ca-hai-khop-hang-cho-cu-ong-92-tuoi-post308528.info