Công dụng và những lưu ý khi dùng thuốc Hexidine

Thuốc Hexidine có tác dụng gì? Có dùng để súc miệng được không? Với thành phần chính là Chlorhexidine gluconate, Hexidine được sử dụng trong điều trị các bệnh liên quan đến miệng.

Thuốc Hexidine có tác dụng gì?

Theo bác sĩ,  giảng viên tai trường Cao đẳng Dược TPHCM cho biết, Hexidine thuộc nhóm thuốc kháng khuẩn với thành phần chính là Chlorhexidine gluconate 2%. Chlorhexidine có khả năng diệt khuẩn và khử khuẩn, với phổ kháng khuẩn rộng, bao gồm vi khuẩn Gram âm và dương, nấm men và virus ưa lipid (bao gồm HIV).

Thuốc Hexidine có các dạng bào chế sau:

  • Dung dịch súc miệng: Dùng để chống viêm và nhiễm khuẩn ở miệng như viêm nướu, viêm miệng, loét áp tơ miệng, và phòng ngừa nhiễm khuẩn sau phẫu thuật miệng, giúp mau liền sẹo.
  • Khí dung vào miệng: Điều trị nhiễm khuẩn ở miệng không đặc hiệu như viêm lợi, viêm amidan, viêm họng, viêm loét áp tơ miệng. Đặc biệt tiện lợi khi dùng giảm đau và kháng khuẩn sau nhổ răng, phẫu thuật khoang miệng.
  • Gạc tẩm thuốc: Điều trị và phòng ngừa nhiễm khuẩn trong các trường hợp chấn thương, phẫu thuật, viêm loét.
  • Kem bôi ngoài và dung dịch rửa: Dùng để sát khuẩn ngoài da, trong phẫu thuật và phụ khoa.

Cách dùng và liều dùng thuốc Hexidine

Cách dùng Hexidine tùy vào dạng bào chế như sau:

  • Dung dịch súc miệng:

Người lớn: Dùng dung dịch có nồng độ 0,02 – 0,05% để súc miệng và vệ sinh hầu họng 1 – 6 lần/ngày.

Trẻ từ 12 tuổi trở lên: Dùng 1 – 3 lần/ngày, mỗi lần cách nhau tối thiểu 4 giờ.

  • Khí dung vào miệng:

Người lớn: Xịt vào miệng và hầu họng 3 – 5 lần/ngày.

  • Băng gạc:

Rửa sạch vết thương và đặt miếng băng gạc lên. Thay băng gạc khi cần.

  • Kem bôi ngoài và dung dịch rửa:

Dùng dung dịch rửa nồng độ 0,05 – 0,1% để làm sạch và sát khuẩn vết thương, dụng cụ, sau đó rửa lại bằng nước sạch.

Lưu ý: Các chế phẩm Hexidine nồng độ đậm đặc cần pha loãng với nước muối sinh lý hoặc nước cất trước khi dùng để tránh quá liều và ảnh hưởng đến tim mạch và thần kinh.

Nếu uống nhầm Hexidine, cần rửa dạ dày hoặc truyền máu nếu xuất hiện tình trạng tan máu.

Tác dụng phụ của thuốc Hexidine

Hexidine có thể gây ra một số tác dụng phụ với tần suất như sau:

  • Thường gặp: Chóng mặt, khô miệng, tim đập nhanh.
  • Ít gặp: Viêm miệng, kích ứng da, phản ứng mẫn cảm.
  • Hiếm gặp: Dị ứng da, nổi mày đay, viêm tuyến mang tai, sốc phản vệ.

Lưu ý, dung dịch Hexidine nồng độ cao có thể gây kích ứng các mô nhạy cảm và phản ứng dị ứng, nếu nặng có thể gây tụt huyết áp và đỏ bừng toàn thân. Dung dịch súc miệng Hexidine có thể khiến răng và lưỡi có màu nâu, tê lưỡi, nhưng các triệu chứng này sẽ biến mất khi ngừng sử dụng. Khi mới dùng, Hexidine có thể gây nóng rát ở lưỡi và rối loạn vị giác, suy giảm khứu giác (tạm thời).

Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị bong lớp niêm mạc miệng và sưng tuyến mang tai. Để tránh tình trạng này, nên pha loãng dung dịch súc miệng trước khi dùng.

Trong những trường hợp nhẹ, các triệu chứng có thể tự hồi phục. Tuy nhiên, nếu xảy ra sốc phản vệ sau khi dùng Hexidine, cần xử trí cấp cứu chống sốc ngay lập tức.

Một số lưu ý khi dùng thuốc Hexidine

Theo các giảng viên tại Trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội cho hay, một số lưu ý khi dùng thuốc Hexidine:

  • Không dùng Hexidine cho người bị quá mẫn cảm với thành phần của thuốc.
  • Không nhỏ Hexidine vào các mô nhạy cảm; nhỏ vào tai giữa có thể gây điếc.
  • Nếu triệu chứng bệnh vẫn tiếp tục sau 5 ngày sử dụng Hexidine hoặc nếu có biểu hiện sốt, hãy thăm khám bác sĩ để đánh giá lại hiệu quả điều trị.
  • Tránh để thuốc tiếp xúc với mắt để ngăn ngừa kích ứng mắt.
  • Dụng cụ y tế như kim tiêm và bơm cần được rửa sạch bằng nước hoặc nước vô khuẩn sau khi ngâm trong dung dịch Hexidine.
  • Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ khi sử dụng các chế phẩm của Hexidine. Phụ nữ đang cho con bú cần rửa sạch núm vú trước khi cho trẻ bú nếu dùng Hexidine để điều trị nhiễm khuẩn ở núm vú.
  • Không dùng Hexidine cùng lúc với xà phòng thông thường hoặc các thuốc sát khuẩn khác để tránh tình trạng tương tác và giảm tác dụng kháng khuẩn.
Categories: Tin tức Y Dược