Bác sỹ phân tích nguyên tắc giờ “vàng” trong cứu sống người bị đột quỵ
Bệnh nhân đột quỵ có tỉ lệ tử vong và tàn tật cao. Nhập viện trong những giờ đầu sau đột quỵ có ý nghĩa quan trọng để giảm tỉ lệ tử vong và gia tăng cơ hội hồi phục.
- Thời gian đào tạo Cao đẳng Dược Sài Gòn năm 2018
- Hướng dẫn làm hồ sơ tuyển sinh Cao đẳng Dược chuẩn năm 2017
- Thông tin tuyển sinh Cao đẳng Dược năm 2017 tại Sài Gòn
Các bệnh nhận bị đột quỵ đang điều trị tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện TW Huế.
Mới đây, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện TW Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cứu sống một bệnh nhân đột quỵ trong gang tấc. Trước đó, sáng 13/7, bệnh nhân Huỳnh Thế A. (50 tuổi), trú ở Thừa Thiên-Huế bị đột quỵ được đưa đến nhập viện tại khoa Cấp cứu đa khoa- Bệnh viện TW Huế trong tình trạng rối loạn ý thức, liệt tứ chi.
Các bác sỹ đã khám và chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ tối cấp. Bệnh nhân được nhanh chóng chuyển chụp CT-Scan sọ não. Trong vòng 10 phút, hình ảnh CT sọ não và kết quả đã được tải lên mạng internet, bác sĩ khoa Cấp cứu đã hội chẩn với bác sĩ khoa Đột quỵ.
Bệnh nhân được xác định đột quỵ nhồi máu não cấp giờ thứ nhất, theo dõi tắc động mạch thân nền, được chuyển ngay vào khoa Đột quỵ và bắt đầu tiến hành truyền thuốc tiêu sợi huyết.
Sau 10 phút, bệnh nhân cải thiện một cách ngoại mục. Bệnh nhân thoát mê, tỉnh táo hoàn toàn, tứ chi cử động tốt, chỉ còn bị liệt mặt nhẹ. Bệnh nhân tỉnh hẳn sau 10 phút truyền thuốc tiêu sợi huyết tái thông mạch máu.
Ths.BS Lê Vũ Huỳnh, Phó trưởng khoa Đột quỵ, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện TW Huế thông tin, Trung tâm đột quỵ từ ngày thành lập và đi vào hoạt động tháng 6/2018, đến nay đã tiếp nhận điều trị cho gần 1.800 bệnh nhân đột quỵ. Trong đó, bệnh nhân nhân nhồi máu não chiếm 72%, bệnh nhân xuất huyết não chiếm 24% và bệnh nhân xuất huyết dưới nhện do vỡ phình mạch não chiếm 4%.
Khoa Nội Đột quỵ cũng đã tiến hành 400 ca chụp mạch não số hóa xóa nền DSA và trên 100 ca can thiệp nội mạch điều trị đột quỵ và các bệnh lý mạch máu não. Trong số bệnh nhân nhồi máu não, có 98 trường nhập viện sớm trong vòng 3h-4,5h để được áp dụng điều trị tái thông mạch máu bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.
Hơn 90% bệnh nhân nhập viện muộn và mất cơ hội vàng để được áp dụng biện pháp cấp cứu đặc hiệu. Trong nhóm bệnh nhân được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết, thời gian từ khi bệnh nhân “vào cửa” đến khi bệnh nhân được bắt đầu chọc kim truyền thuốc tiêu sợi huyết hay còn gọi là “thời gian cửa-kim” càng được rút ngắn thì bệnh nhân càng có cơ hội hồi phục.
ThS.BS Huỳnh phân tích, thời gian từ khi bệnh nhân nhập viện đến khi được điều trị thuốc tiêu sợi huyết, gọi là thời gian cửa-kim, theo tiêu chuẩn quốc tế là dưới 60 phút.
Theo GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện TW Huế, bệnh nhân đột quỵ có tỉ lệ tử vong và tàn tật cao. Nhập viện trong những giờ đầu sau đột quỵ có ý nghĩa quan trọng để giảm tỉ lệ tử vong và gia tăng cơ hội hồi phục.
“Các bệnh nhân có triệu chứng đột quỵ nên được vận chuyển bằng Trung tâm Cấp cứu 115 tới thẳng bệnh viện mà không nên đi lòng vòng những tuyến y tế cơ sở nhằm đảm bảo “giờ vàng” cứu chữa bệnh nhân. Bởi vậy, chúng tôi đang xây dựng trung tâm đột quỵ theo tiêu chuẩn mô hình trung tâm toàn diện phối hợp đa chuyên khoa trong điều trị bệnh nhân đột quỵ. Làm sao để bệnh nhân nhập viện sớm, đúng địa chỉ và được áp dụng các biện pháp cấp cứu kịp thời, rút ngắn thời gian trì hoãn ngoại viện…”, GS.TS. Phạm Như Hiệp nhấn mạnh.
Nguồn https://www.nguoiduatin.vn/bac-sy-phan-tich-nguyen-tac-gio-vang-trong-cuu-song-nguoi-bi-dot-quy-a443589.html