Trầm hương (kỳ nam) – Bảo vật quý hiếm trong hương liệu và y học cổ truyền

Trầm hương là một cái tên quen thuộc. Chúng ta hẳn đã nghe nhiều về sự quý hiếm và giá trị đắt đỏ của nó. Trầm hương không chỉ là một hương liệu quý giá mà còn là một vị thuốc đông y có tác dụng an thần, giảm đau. Vậy thực sự Trầm hương là gì và giá trị của nó trong cuộc sống như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

Cây Trầm hương thuộc loại thân gỗ cao

Giới thiệu về Trầm hương

Theo các Dược sĩ, giảng viên tai trường Cao đẳng Dược TPHCM cho biết, Cây Trầm hương, còn được biết đến với các tên gọi khác như Kỳ nam, Trà hương, Gió bầu, thuộc nhóm cây thân gỗ cùng chi thực vật trong họ Trầm Thymelacaceae. Các loài điển hình bao gồm Aquilaria agallocha, Aquilaria crassna và Aquilaria sinensis.

Cây Trầm hương là một loại cây thân gỗ cao, có thể đạt tới 30 – 40 mét. Thân cây có vỏ xơ, màu xám, với đường kính từ 40 – 60 cm và các vết nứt dọc. Vỏ ngoài mỏng, dễ bóc, có mùi hơi hắc. Cành cây cong queo, mọc chếch. Lá mọc so le, phiến lá mỏng, hình trứng ngược hoặc bầu dục.

Cụm hoa mọc ở đầu cành hoặc kẽ lá, hoa nhỏ màu lục vàng hoặc trắng tro. Quả có hình trứng ngược, phủ lông mềm màu vàng xám, khi chín sẽ nứt thành hai mảng, chứa 1-2 hạt. Mùa hoa rơi vào tháng 4 – 5, còn mùa quả là tháng 7 – 8.

Ở Việt Nam, cây Trầm hương phân bố khắp các tỉnh vùng núi từ Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, đến Tây Ninh và đảo Phú Quốc. Các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là những khu vực có Trầm hương nhiều nhất.

Cây thường mọc trong các kiểu rừng kín, xanh ẩm, nhiệt đới, ở độ cao từ 50 đến 1200 mét, ưa mọc trên đất feralit. Trầm hương ra hoa quả từ tháng 4 đến tháng 7, khi quả chín, vỏ khô tự mở để hạt rơi xuống đất, tái sinh tự nhiên dưới tán rừng.

Trầm hương (Lignum Aquilariae) là phần gỗ chứa nhiều nhựa của cây, có mùi thơm đặc trưng và khi thả xuống nước sẽ chìm, do đó có tên như vậy. Tên Kỳ nam thường được dùng để chỉ loại gỗ trầm quý nhất, có giá trị gấp 10-20 lần so với trầm hương thông thường.

Quá trình tạo thành Trầm

Trầm hương dưới dạng “bắp trầm” có thể xuất hiện trong thân, gốc, rễ hoặc cành của cây trầm, với hình dạng và kích thước rất đa dạng. Người ta giả thiết rằng cây tiết ra những chất đặc biệt để chống lại một loại nấm hoặc vi sinh vật gây bệnh. Qua nhiều năm, những chất này tích tụ lại và hình thành trầm hương.

Trầm hương chính là sản phẩm thiên nhiên đặc biệt quý giá. Ngay từ thời cổ đại, người Việt đã biết khai thác và sử dụng trầm hương để trao đổi và hiến tặng. Theo kinh nghiệm của những người khai thác, trầm hương thường có trong những cây lâu năm, khoảng trên 30 năm tuổi. Những cây này thường có thân cong queo, vỏ không nhẵn, nhiều u bướu, và thường có kiến đen hoặc kiến nâu sinh sống. Lá cây có màu xanh hoặc có thể hơi ngả vàng.

Trầm hương có kích thước và hình dạng không nhất định, có thể ở dạng gỗ hoặc hình trụ, thường dài khoảng 10 cm và rộng 2-4 cm, hai đầu có vết như dao cắt. Đôi khi, trầm hương trông giống như miếng gỗ mục với những vết dọc sẫm màu. Chất gỗ cứng, nặng, và khi cắt ngang có thể thấy những đám nhựa màu đen hoặc đen nâu.

Cây Dó bầu sau khi bị tổn thương sẽ hình thành Trầm hương

Kỳ nam là tên thường được dùng để chỉ loại gỗ trầm quý nhất. Người xưa đánh giá và phân loại chất lượng trầm hương theo câu “nhất bạch, nhì thanh, tam huỳnh, tứ hắc,” tức là chất lượng trầm được phân theo thứ tự màu trắng, sáp xanh, sáp vàng và vằn hổ.

Vì giá trị đặc biệt quý giá, cây trầm hương ở Việt Nam đã bị khai thác quá mức và chặt phá bừa bãi. Nhiều cây không có trầm hoặc mới hình thành cũng bị chặt nhầm. Do đó, cây trầm hương đã được đưa vào Sách Đỏ của Việt Nam để bảo vệ.

Thành phần hóa học của Trầm hương

Từ xưa đến nay, Trầm hương luôn có giá trị cao vì nó là một hương liệu và chất định hương thượng hạng. Ngày nay, tinh dầu được chiết xuất từ Trầm hương được sử dụng rộng rãi trong việc sản xuất các chất định hương và hương liệu.

Mùi thơm đặc trưng của Trầm hương đến từ các thành phần tinh dầu có trong nó. Những thành phần này khác nhau giữa các loại cây, bao gồm benzylacetone, methoxybenzylacetone, terpene alcohol, baimuxifuralic acid, sinenofuranal và nhiều hợp chất khác.

Công dụng

Theo Y học cổ truyền, Trầm hương được mô tả có vị cay, đắng và tính ôn (ấm), quy vào kinh thận, tỳ và vị. Theo quan niệm này, nó có tác dụng giúp giảm khí, ôn trung, tráng nguyên dương, giảm đau và trấn tĩnh. Tức là Trầm hương hỗ trợ cho việc khí huyết trong cơ thể luân chuyển đúng cách và mang lại cảm giác ấm áp bên trong. Ngoài ra, nó còn giúp bổ dưỡng các tạng phủ và làm tinh thần tỉnh táo.


Trầm hương khi đốt tạo cảm giác ấm, tinh thần sảng khoái

Trong Y học cổ truyền, Trầm hương thường được sử dụng trong các bài thuốc điều trị đau ngực, đau bụng, nấc, nôn mửa, hen suyễn và bí tiểu.

Nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng chiết xuất từ Trầm hương có khả năng bảo vệ tế bào thần kinh khỏi một số độc tố, giúp làm giảm quá trình viêm mạn tính hoặc căng thẳng kéo dài. Nó cũng được biết đến với tác dụng giảm co thắt đường tiêu hóa và điều hòa nhu động ruột.

Không chỉ có phần trầm, lá của cây Trầm hương cũng được nghiên cứu và chứng minh có tác dụng giảm đau, chống viêm, hạ đường huyết và điều hòa nhu động tiêu hóa.

Cách dùng

Theo các giảng viên tại Trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội cho hay, Liều lượng hằng ngày thông thường của Trầm hương là từ 1,5 đến 4 gram, có thể sử dụng dưới dạng bột, ngâm trong rượu hoặc pha với nước uống. Nếu sử dụng dưới dạng sắc, thuốc có thể mất đi mùi thơm đặc trưng của nó. Thường được kết hợp với các vị thuốc khác như Nhục quế, Hoàng liên, Ô dược và Bạch đậu khấu.

Ngoài ra, Trầm hương cũng được sử dụng để nấu nước tắm, xông chữa cảm. Cây non sao vàng cũng được sử dụng để làm sắc uống chữa ho và lá của nó có thể được đắp để giảm đau và mắt đỏ.

Lưu ý khi sử dụng

Do tính ôn ấm của Trầm hương, những người bị nóng trong người hoặc dễ bốc hỏa nên cẩn thận khi sử dụng. Không nên dùng vị thuốc này cho phụ nữ đang mang thai.

Với thành phần tinh dầu, thường được sử dụng dưới dạng bột hoặc ngâm trong rượu, không nên sử dụng dưới dạng sắc.

truongcaodangyduocsaigon.com.vn tổng hợp

Categories: Tin tức Y Dược